Pháp và các đối tác châu Âu chính thức thông báo rút quân khỏi Mali

Pháp và các đối tác châu Âu chính thức thông báo rút quân khỏi Mali

Đăng ngày: 17/02/2022

Thùy Dương

Do vấp phải sự cản trở từ chính quyền chuyển tiếp Bamako, Pháp và các đồng minh châu Âu hôm nay 17/02/2022 chính thức thông báo rút quân khỏi Mali sau 9 năm chiến dịch Barkhane mà Paris dẫn đầu về chống khủng bố thánh chiến, nhưng khẳng định vẫn duy trì cam kết với các nước khác trong vùng Sahel và vịnh Guinée.

Trong một thông cáo chung, Pháp và các đối tác Canada, châu Âu và châu Phi khảng định sự cản trở của chính quyền chuyển tiếp Mali khiến họ không có đủ điều kiện để duy trì hiệu quả các hoạt động quân sự hiện tại ở Mali. Do đó, Pháp và các đối tác quyết định bắt đầu đầu phối hợp rút khỏi lãnh thổ Mali các phương tiện quân sự phục vụ chiến dịch Barkhane và lực lượng đặc nhiệm của châu Âu Task Force Takuba.

Tuy nhiên, AFP cho biết Paris và các đối tác vẫn muốn duy trì các cam kết trong khu vực Sahel và mở rộng sự hỗ trợ với các nước láng giềng của Mali tại vùng Vịnh Guinée và Tây Phi để ngăn chặn mối đe dọa từ khủng bố thánh chiến. Từ nay đến tháng 06/2022, các hoạt động tái cơ cấu chiến dịch này sẽ được quyết định. Có thể Pháp sẽ củng cố sự hiện diện quân sự tại Niger, nơi Pháp đã có một căn cứ không quân với 800 lính. Paris cũng muốn đề xuất hợp tác với nhiều nước khác ở Tây Phi, như Côte d’Ivoire, Senegal, Benin … để chống sự mở rộng của thánh chiến tại vịnh Guinée. 

Pháp hiện diện quân sự tại Mali từ năm 2013, quốc gia vốn nằm trong tầm ngắm của các nhóm thánh chiến ở vùng Sahel. Paris đã can thiệp để chặn đà tiến của các nhóm Hồi giáo cực đoan đe dọa Bamako và sau đó triển khai Barkhane, một chiến dịch lớn ở vùng Sahel, để chống lại nhóm khủng bố Al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Mali được xem là nơi đặt trung tâm chiến lược Barkhane tại Sahel. Tổng cộng, theo điện Elysée, có 25.000 quân đang được triển khai ở vùng Sahel, trong đó có 4.300 binh sĩ Pháp. Riêng tại Mali, Pháp có 2.400 quân đóng trong khuôn khổ chiến dịch Barkhane. Từ năm 2013 đến nay, có 53 binh sĩ Pháp thiệt mạng tại vùng Sahel, phần lớn là ở Mali (48 người). 

Nhưng bất chấp những chiến thắng về mặt chiến thuật, chính quyền Mali và các lực lượng vũ trang của Bamako chưa bao giờ thực sự lấy lại được quyền kiểm soát các vùng đất. Chính phủ Mali đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính kép hồi năm 2020-2021 khiến mọi chuyện trở nên phức tạp hơn, chính quyền chuyển tiếp làm dấy lên tình cảm chống Pháp vốn dĩ ngày càng tăng trong khu vực.

Bài Liên Quan

Leave a Comment