Góc nhìn chiến tranh từ “Sợi đan ký ức” của Lê Quang Đỉnh
Đăng ngày: 23/02/2022
Chi Phương
Từ ngày 08/02 đến 20/11/2022, bảo tàng Quai Branly tại Paris giới thiệu với khán giả Pháp bộ sưu tập tranh đan đánh dấu 20 năm sự nghiệp của Lê Quang Đỉnh. Qua các bức tranh đan, video hay các bức vẽ, nghệ sỹ đưa người xem vào thế giới của những mẩu ký ức đan xen, thật giả lẫn lộn trong chiến tranh.
Dưới ánh đèn mờ ảo bên sáng bên tối, những vết đan xen trong các tác phẩm của Lê Quang Đỉnh thể hiện rõ từng hình, khối, khiến những bức tranh đan trở thành tranh không gian 3 chiều. Dựa theo góc nhìn khác nhau, hướng sáng khác nhau, người xem có thể nhìn thấy những sự vật khác nhau trong tranh. “Ở góc này thì tôi thấy con voi, còn đứng sang bên kia thì tôi lại thấy đứa bé, quả là thú vị ! ”, một khán giả đến thăm triển lãm bình luận.
Với khoảng 20 tác phẩm lớn nhỏ khác nhau, triển lãm “Sợi đan ký ức – Lê Quang Đỉnh” trưng bày những tác phẩm tiêu biểu đánh dấu sự nghiệp của anh, gồm những sáng tác liên quan đến chiến tranh Việt Nam, nạn diệt chủng Khmer Đỏ ở Cam Bốt và khủng hoảng di dân ở châu Âu. Đó là những chủ đề đan xen giữa bối cảnh địa chính trị và những gì mà người nghệ sỹ từng trải, giữa những câu chuyện cá nhân và lịch sử.
Sinh ra tại Hà Tiên vào năm 1968, giữa lúc chiến tranh đạn lạc, Lê Quang Đỉnh cùng gia đình di cư, sống lưu vong ở Mỹ từ khi còn nhỏ. Từ những năm 1990 ông đã bắt đầu nghiệp sáng tác, tạo ra nhiều tác phẩm với dấu ấn của riêng mình – tranh đan (photo weaving) và dần được cộng đồng quốc tế chú ý. Đây là triển lãm cá nhân đầu tiên của Lê Quang Đỉnh tại Pháp.
Tranh đan và cách ký ức vận hành
Vào năm 2020, hai tác phẩm của Lê Quang Đỉnh từng được trưng bày tại bảo tàng Quai Branly trong triển lãm À qui appartient le regard, cùng với tác phẩm của 26 nghệ sỹ khác đến từ khắp nơi trên thế giới. Vào thời điểm đó, cái tên Lê Quang Đỉnh đã thu hút sự quan tâm của nhiều khán giả. Chính vì vậy bảo tàng mong muốn tạo giới thiệu với khán giả Pháp các tác phẩm nghệ thuật quan trọng khác của nghệ sỹ một cách đầy đủ hơn thông qua triển lãm lần này. Đại dịch Covid-19 đã khiến gần như tất cả công tác chuẩn bị, từ khâu chọn tác phẩm trưng bày đến bố trí triển lãm đều làm từ xa, trong vòng hai năm.
Theo bà Christine Barthe, phụ trách triển lãm của bảo tàng Quai Branly, “Sợi đan ký ức” không chỉ để làm nổi bật nghệ thuật sáng tạo bằng việc sử dụng tranh ảnh. Bà cho biết thêm :
Trong những tác phẩm của Lê Quang Đỉnh, chúng ta thấy rõ mối liên hệ của chúng với những câu hỏi về ký ức, thêm vào đó là cách sử dụng từng sợi tranh, và đan chúng lại mà chúng ta thấy trong mỗi tác phẩm. Nó giống như việc sử dụng những sợi ký ức để nói rằng, có những ký ức bị đánh rơi đâu đó, ta không biết ta đang tìm gì, và rồi ta tìm lại chúng trong một sợi khác, được đan lại…Tôi nghĩ rằng những tác phẩm này gây ấn tượng với người xem bởi chúng rất dễ hiểu, đưa họ vào thế giới trong tranh đan. Và ý tưởng đan những bức ảnh lại để tạo ta một bức ảnh khác, nó giống như cách thức vận hành của ký ức, của ý nghĩ, tức là chúng bị pha trộn với nhiều thứ khác trong một thời gian dài mà ta không nhận ra.”
“Quá khứ phức tạp và chiến tranh cũng vậy”
Lê Quang Đỉnh, không phải hoạ sỹ và ít được biết đến với tư cách nhiếp ảnh gia, bởi anh không vẽ cũng không phải là tác giả chụp những bức ảnh trưng bày, mà anh đơn giản là người nghệ sỹ với sự sáng tạo độc đáo riêng. Những bức tranh, ảnh là nguồn sáng tạo, là một loại vật liệu mà anh biến đổi, qua việc cắt chúng rồi lồng ghép, đan xen lại tạo ra một tác phẩm mới, giống như những sợi ký ức được xếp chồng lên nhau, tạo nên một câu chuyện hoàn chỉnh hơn. Nói về quá trình tạo ra các bức tranh Lê Quang Đỉnh cho biết :
Chiến tranh Việt Nam rất phức tạp, và tuỳ theo bạn đứng ở phe nào, bạn sẽ có một quan điểm khác. Về phần tôi, sau hơn 20 năm làm về những chủ đề liên quan đến chiến tranh, tôi bắt đầu học cách chấp nhận thay vì tìm ra câu trả lời cho chiến tranh. Để tạo ra các tác phẩm của mình, tôi sử dụng những sự kiện này để chỉ ra cách mà chúng ta ghi nhớ và làm sao mà chúng ta có thể chấp nhận sự thật. Quá khứ rất phức tạp và chiến tranh cũng vậy, có những mảnh ký ức bị phai mờ.
Tôi không mong muốn tái hiện lại những gì mà ký ức của chúng ta lưu giữ, mà thay vào đó là lý giải những ký ức đó như thế nào. Và quá trình này rất đơn giản. Tôi lựa chọn trong những bức ảnh mà tôi có, xếp những bức ảnh chồng lên nhau. Với hai bức ảnh khác nhau, bức đầu tiên tôi cắt theo chiều dọc và bức còn lại theo chiều ngang, sau đó tôi đan chúng lại với nhau. Khi một bức ảnh bị cắt ra theo những sợi nhỏ, để riêng rẽ, chúng trở nên trừu tượng và ta không thể biết được nó là gì.
Trong suốt quá trình này, tôi phải ghi nhớ từng sợi mà tôi cắt, thuộc bức ảnh nào, ở vị trí nào, mỗi sợ có những màu sắc khác nhau. Đó là cả một quá trình yêu cầu sự tập trung cao độ, đến mức mất cả khái niệm về thời gian và không gian. Tôi nhớ có lần tôi làm việc không ngừng nghỉ, và đến lúc tôi đứng dậy, đã là 4h sáng.
Bước vào không gian triển lãm rộng khoảng hơn 50 m2, người xem dường như bước vào ký ức chiến tranh của tác giả, không chỉ bởi nghệ thuật sử dụng bóng tối làm nổi bật các bức tranh đan về ký ức mà còn bởi tiếng máy bay trực thăng bên tai, rồi rơi xuống nước, từng chiếc, từng chiếc. Tác phẩm mang tên South China Sea Pishkun, là một thước phim hoạt hình 3D lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về những chiếc trực thăng cố gắng trốn khỏi miền nam Việt Nam sau chiến thắng của quân đội miền Bắc Việt Nam năm 1975. Một số trực thăng rơi xuống biển vì thiếu nhiên liệu, một số khác bị bắn rơi.
Thay đổi định kiến mà ký ức tạo ra
Có lẽ với những người đã đọc về Lê Quang Đỉnh hay nghe qua về chủ đề của triển lãm, việc một thước phim về trực thăng rơi không có gì đáng ngạc nhiên, bởi hình ảnh của nó gắn liền với chiến tranh. Chia sẻ với RFI về tác phẩm này, nghệ sỹ đam mê với những sáng tác không gian ba chiều bật cười nói: “Thực ra hình ảnh máy bay trực thăng không nhất thiết là phải nói về chiến tranh. Tôi đã mang tác phẩm này đến một triển lãm khác và tôi rất ngạc nhiên khi chứng kiến các bạn nhỏ đứng trước màn hình đếm máy bay rơi. Đối với trẻ em, bộ óc của chúng thường không có định kiến và sẵn sàng tiếp thu cái mới, tác phẩm về trực thăng của tôi giống như một trò chơi điện tử với chúng”.
Nói về định kiến, dường như đó là điều mà Lê Quang Đỉnh muốn thay đổi trong tâm thức của mọi người về chiến tranh, nhất là chiến tranh Việt Nam. Trong thời gian sinh sống và học tập ở Mỹ, Lê Quang Đỉnh nhận thấy rằng cách người Mỹ nhìn về chiến tranh qua các thước phim điện ảnh hay từ các nhiếp ảnh gia thời chiến, khác với cái nhìn từ Việt Nam. “Ví dụ đơn giản là ở Mỹ thì họ nói là chiến tranh Việt Nam, còn ở Việt Nam thì là chiến tranh chống Mỹ”.
Quá khứ thật giả lẫn lộn
Nghệ sỹ kể rằng, có lần về thăm mẹ ở California, vô tình nhìn thấy trực thăng rải thuốc chống lửa do cháy rừng, bầu trời toàn màu cam. Một hình ảnh khiến anh liên tưởng đến chiến tranh Việt Nam, mà thực ra có được mảnh ký ức này là từ phim Hollywood. Tại triển lãm ở Paris, trước tiên, Lê Quang Đỉnh đưa người xem đưa người xem vào bộ sưu tập From Vietnam to Hollywood, 2003-2004. Anh giải thích rằng bộ sưu tập này là những ký ức của anh bị lẫn lộn với những ký ức mà Hollywood tạo dựng, thật giả lẫn lộn. Khiến chúng ta vô tình lầm tưởng đó là một, nhưng thực ra không hẳn là như vậy.
Trong tác phẩm mở đầu bộ sưu tập, nghệ sỹ lồng ghép một bức ảnh từ chiến tranh Việt Nam và một ảnh khác từ một bộ phim của Hollywood. Hai bức ảnh đan xen lẫn nhau, tạo hiệu ứng mờ ảo, khiến người xem tự cảm nhận về hình ảnh tổng thể trong “sự xáo trộn có tổ chức”. Lê Quang Đỉnh muốn nhấn mạnh sự mơ hồ trong các sự liên kết của ký ức và sự đa nghĩa đa chiều của một bức ảnh.
Chiến tranh không phải chỉ có chết chóc
Trong buổi tham quan tại bảo tàng cùng với Lê Quang Đỉnh, một khán giả đến xem nhận xét rằng “các tác phẩm nói về những giai đoạn khác nhau của chiến tranh nhưng lại không tái hiện sự tàn khốc của nó”, mà chủ yếu những bức chân dung, những câu chuyện khác. Chia sẻ với RFI Tiếng Việt, nghệ sỹ giải thích :
“Mục đích của triển lãm này không phải để nói về chiến tranh mà là cách mà chiến tranh đã diễn ra như thế nào (process). Nói đến chiến tranh không có nghĩa là nói đến sự chết chóc, bạo lực hay những nỗi đau. Đó không phải là điều mà tôi muốn kể thông qua các tác phẩm của mình. Nói đúng hơn, tôi muốn người xem cảm nhận cách mà chúng ta nhìn nhận những gì đã xảy ra. Đối với chiến tranh, chết chóc, hay sự tàn phá và nỗi thống khổ, chúng ta đều biết cả, tôi không nghĩ là tôi phải nói thêm cho mọi người về điều đó, mà thay vào đó, tôi muốn kể những câu chuyện được ẩn giấu đằng sau. Nó phức tạp hơn và thú vị hơn nhiều, nhưng hiểu được câu chuyện đó, có thể còn ẩn chứa nhiều nỗi đau hơn, bởi chiến tranh không đơn giản, mà hệ luỵ của nó rất phức tạp.”
Triển lãm giới thiệu các bộ sưu tập khác như Light and Belief : Sketches of Life from the Vietnam War, 2012 (Ánh sáng và niềm tin : Những bức phác thảo về cuộc sống trong chiến tranh Việt Nam) gồm hơn 100 bức phác thảo đã hoàn thiện hay còn dang dở do các nghệ sỹ Việt Nam trên chiến tuyến miền bắc thực hiện. Song song với các bức hoạ là những lời chứng của các nghệ sỹ kể về ký ức thời chiến trong một video dài 30 phút. Đây có lẽ là không gian chiếm nhiều ánh sáng nhất của triển lãm, là nơi mà Lê Quang Đỉnh thu thập, lưu giữ những tác phẩm như là các chứng tích lịch sử, cũng là nơi mà người nghệ sỹ nhường ánh đèn cho những đồng nghiệp vô danh của mình, cho họ phát biểu và có được sự công nhận về nghệ thuật.
Bộ sưu tập về Splendor and Darkness, 2017 ( Huy hoàng và Bóng đêm) gồm các bức chân dung của các nạn nhân trong cuộc diệt chủng do Khmer Đỏ thực hiện xen lẫn với các hình ảnh lộng lẫy của đền Angkor. Lớn lên tại vùng biên giới với Cam Bốt, Lê Quang Đỉnh là nạn nhân trực tiếp khi quân của Pol Pot tấn công Việt Nam, buộc gia đình anh phải lánh nạn sang Thái Lan, trước khi đến Mỹ. Hồi ức này vẫn còn đọng sâu trong tâm khảm của nghệ sỹ. Sau lần đầu tiên trở về Việt Nam vào năm 1993, Lê Quang Đỉnh quay trở lại Việt Nam thường xuyên hơn và nó giống như một cuộc hành hương về quá khứ với những kỉ niệm rơi rớt.
Nghệ thuật xoa dịu tâm hồn
Trong một cuộc trò chuyện với nhà bình luận nghệ thuật Moira Roth vào năm 2001 (được Tạp chí di cư quốc tế châu Âu trích dẫn), anh kể rằng mỗi lần từ Mỹ trở về đều mang theo một nắm đất rồi ném vào dòng chảy của sông Mê Kông. Anh hy vọng rằng như vậy sẽ giúp xoa dịu những oan hồn của các binh lính vẫn quẩn quanh đâu đó. Vậy phải chăng những tác phẩm của anh xoay quanh chủ đề chiến tranh, như là một cách để xoa dịu chính tâm hồn mình ?
“Lúc đó, tôi chỉ là một đứa trẻ. Chiến tranh Việt Nam kết thúc khi tôi 5 tuổi. Tôi nghĩ rằng tôi đã nhìn thấy những thứ mà một đứa trẻ 5 tuổi không nên nhìn. Đến khi tôi 10 tuổi, Cam Bốt, Khmer Đỏ tấn công làng tôi. Đáng ra một đứa trẻ 10 tuổi như tôi không nên nhìn thấy những cảnh như vậy. Lúc đó, tôi không hiểu chuyện gì đang diễn ra, tôi thấy như tôi bị mất kiểm soát. Tôi nghĩ rằng những sáng tác của tôi là một cách để tôi có thể tự học, và lý giải lý do tại sao tất cả các cuộc chiến tranh lại xảy ra, với Việt Nam, với Cam Bốt. Tại sao Cam Bốt lại muốn xâm lược Việt Nam, tại sao người Mỹ đến Việt Nam, rồi cả Nga và Trung Quốc nữa. Có lẽ làm nghệ thuật giúp tôi phần nào hiểu được tại sao tôi lại có những cảm xúc mất kiểm soát (out of control) như vậy. Và đến nay, tôi nghĩ rằng tôi đã hiểu được.”
Các tác phẩm của Lê Quang Đỉnh đã được trưng bày ở nhiều nơi trên thế giới, tại Hoa Kỳ, Úc, châu Âu và châu Á, đặc biệt là ở Nhật Bản. Trong chuyến trở về Việt Nam, anh đã thành lập Sàn Art, một trong những trung tâm hoạt động nghệ thuật quan trọng ở Việt Nam.
Nhà dân tộc học Catherine Choron-Baix, nghiên cứu tại Université de Poitiers, nhận định trong bài đăng Le vrai voyage. L’art de Dinh Q. Lê entre exil et retour, rằng Lê Quang Đỉnh là một gương mặt nghệ sỹ di dân tiêu biểu trong việc tạo dựng chỗ đứng trên thị trường nghệ thuật quốc tế bằng cách tái hiện lại nguồn gốc của mình. Nhiều người giống như anh đã sử dụng danh tiếng của mình để tạo ra động lực làm thay đổi xã hội nguồn cội .
Lê Quang Đỉnh không bao giờ làm mất sợi chỉ đỏ xuyên suốt cách diễn ngôn phê bình về lịch sử theo cách riêng của mình, nhưng điều dường như đang hình thành rõ nét trong tiến trình biến đổi của anh là tiếp cận với những thực tế khác trên thế giới và thậm chí có thể là tư tưởng bao trùm toàn cầu.