Khủng hoảng Ukraina : Vladimir Putin đã chuẩn bị đương đầu với trừng phạt phương Tây thế nào

Bất chấp mọi đe dọa trừng phạt của phương Tây, Vladimir Putin hôm thứ Hai 21/02/2022 vẫn thông báo Nga công nhận hai nước cộng hòa tự xưng ly khai ở miền đông Ukraina độc lập. Chủ nhân điện Kremlin những năm qua đã có một loạt quyết sách chiến lược nhằm bảo vệ kinh tế của đất nước và chuẩn bị cho khả năng Nga bị phương Tây trừng phạt.QUẢNG CÁO

Trong khi hôm 21/02, Vladimir Putin thông báo Nga công nhận nền độc lập của Donetsk và Lougansk, 2 nước cộng hòa tự xưng ly khai ở miền đông Ukraina, bộ Ngoại Giao Nga ngày hôm sau kêu gọi « những quốc gia khác hãy theo gương Nga ».

Cho dù đến giờ ông Vladimir Putin vẫn còn thận trọng chưa phát động một cuộc xâm lược ồ ạt, không phải vì sợ các đe dọa trừng phạt « nghiêm khắc » của phương Tây. Những trừng phạt đến lúc này dường như vẫn không mảy may có tác động đến quyết tâm của tổng thống Nga. Đã phải đối mặt với nhiều biện pháp trừng phạt từ sau vụ sáp nhập Crimée năm 2014, tổng thống Putin trong những năm qua đã có không ít sáng kiến để chuẩn bị sẵn sàng đối phó với các khả năng phương Tây trừng phạt kinh tế Nga.

Từ khi bắt đầu nổ ra khủng hoảng Ukraina đến nay, kinh tế Nga đã được đa dạng hóa để bớt lệ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt. Nga tập trung tăng cường các điểm mạnh của nền kinh tế. Xuất khẩu quặng mỏ, nhôm, nikel, vàng, kim cương và lúa mì đã giúp cho Nga có nhiều lợi thế trong thương mại với thế giới.

Lãnh đạo Nga rất chú trọng củng cố ngân quỹ Nhà nước. Nợ công được kiểm soát, chỉ còn chiếm 13% GDP, trong khi mà trung bình con số này ở châu Âu là khoảng 80%. Ngân sách Nhà nước dựa chủ yếu vào bán dầu. Giá dầu lửa tăng gấp đôi hiện nay cũng có nghĩa là nguồn thu của Nhà nước Nga cũng tăng tương đương. Nợ của các công ty Nga bằng đô la đã được cơ cấu lại chuyển sang đồng rúp. Việc này nằm trong kế hoạch « phi đô la hóa » được bắt đầu từ sau khi Nga bị trừng phạt vì sáp nhập Crimée cách đây 8 năm. 

Phát triển đối tác với Trung Quốc

Ngày 21/04 2014, tức hai tháng sau khi sáp nhập Crimée vào Nga, ông Putin thực hiện một đòn mạnh thực sự, ký với Trung Quốc một thỏa thuận khí đốt lịch sử, trị giá 400 tỷ đô la kéo dài trong 30 năm.

Dù các cuộc đàm phán đã được khởi sự trước cuộc đột nhập của Nga tại Ukraina, nhưng hợp đồng trên đánh dấu một bước ngoặt chiến lược lớn, theo Jean François Di Meglio, chuyên gia tài chính và là chủ tịch của Asia Centre.

« Hai nước có nhiều cạnh tranh lịch sử về Kazakhstan, Mông Cổ hay cả vùng Siberia khiến cho mối quan hệ trở nên phức tạp rất nhiều. Nhưng Vladimir Putin đã hiểu rõ rằng phát triển quan hệ đối tác kinh tế này có thể giúp ông giữ được thế tấn công đối với phương Tây. Về phần Trung Quốc, mặc dù là cường quốc kinh tế nhưng vẫn bị cô lập, Bắc Kinh có thêm được một đồng minh trước đối thủ Mỹ ».

Nga và Trung Quốc cố gắng thanh toán các trao đổi song phương bằng đồng tiền quốc gia của mình. Trong lĩnh vực này Nga có cố gắng nhiều hơn. Đến giờ chỉ 20% hàng xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc được thanh toán bằng đồng tiền Mỹ. Ở chiều ngược lại 60% hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga vẫn phải thanh toán bằng đô la. 

Năm 2021, Bắc Kinh và Matxcơva đã tiến hành nhiều cuộc tập trận chung, hé mở khả năng thiết lập một liên minh quân sự giữa hai nước, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Hoa Kỳ.

Kiểm soát giới tài phiệt

Mặc dù quan hệ đối tác kinh tế Nga – Trung quốc được tăng cường những năm qua, nhưng châu Âu vẫn là bạn hàng lớn nhất của Matxcơva. Ngày 22/02/2022,  Đức đã chấp nhận ngừng đưa vào hoạt động đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, theo yêu cầu của Mỹ. Các lãnh đạo châu Âu chủ yếu vẫn ủng hộ các biện pháp trừng phạt có mục tiêu nhằm vào các chính khách Nga, nhất là các nhà tài phiệt có quan hệ với Kremlin, những người hiện sở hữu nhiều bất động sản và cổ phần tài chính ở châu Âu.

Tuy nhiên theo tiến sĩ khoa học kinh tế Nga Vladislav Inozemtsev, Kremlin những năm qua đã chuẩn bị nhiều để có thể chống được mối đe dọa này.  « Ngay từ trước khi định xâm lược Ukraina, Vladimir Putin đã phát động một chương trình gọi là « quốc hữu hóa các thành phần ưu tú » nhằm kich thích các công chức, doanh nhân thân cận với chính quyền hạn chế lệ thuộc vào tài sản phương Tây và hợp pháp hóa các sở hữu của họ ở nước ngoài », theo một báo cáo của chuyên gia trên cho Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (Ifri).

« Chính sách này đã thu được nhiều thành công : Các nguồn tài sản phần lớn có nguồn gốc từ tham nhũng giờ được hợp thức hóa đầu tư vào trong nước, các cựu công chức không còn mua lâu đài ở Pháp hay du thuyền ở nước ngoài mà họ chuyển qua mua các chuỗi cửa hàng, các tổ hợp văn phòng, nhà máy và nhà hàng ở Nga », nhà nghiên cứu Vladislav Inozemtsev cho biết tiếp. Ông đánh giá các trừng phạt có mục tiêu của châu Âu giờ đây có khi lại trừng phạt vào « những đại diện của khu vực tư nhân Nga, những người chỉ trích nhất chế độ hiện nay ».

Một hệ thống tài chính Nga để lách Swift

Còn một vấn đề chính đối với ông Vladimir Putin, sự lệ thuộc của Nga vào hệ thống tài chính Swift, một hệ thống giao dịch chuyển ngân quốc tế, nằm dưới sự ảnh hưởng của phương Tây. Hoa kỳ đã nhiều lần dọa loại trừ các Ngân hàng Nga ra khỏi mạng lưới Swift nếu xâm lược Ukraina. Mạng lưới thanh toán quốc tế bằng đồng đô la này được gần như hầu hết các định chế tài chính thế giới sử dụng để chuyển khoản tiền một cách an toàn và thuận tiện nhất hiện nay.

Để đối phó với hệ thống được dùng như là công cụ gây sức ép của Washington, năm 2018, Nga đã tung ra công cụ riêng của mình, đó là hệ thống chuyển ngân (SPFS), giờ được kết nối với mạng liên ngân hàng Trung Quốc CIPS (Hệ thống thanh toán quốc tế của Trung Quốc). Hiển nhiên đây là công cụ để thay thế trong trường hợp Nga bị loại ra ngoài hệ thống quốc tế, nhưng vẫn chưa thể đủ khả năng cạnh tranh với Swift, theo giải thích của François Heisbourg, cố vấn đặc biệt của Quỹ nghiên cứu chiến lược.

« Trong các thị trường mà các giao dịch được thực hiện gần như 100% bằng đồng đô la, trong đó đặc biệt là thị trường dầu khí, thì việc bỏ qua ngay ngoại tệ này là rất khó khăn », chuyên gia Heisbourg phân tích. Ông nhận thấy Nga cần phải có một thời gian thích nghi để có thể khởi động các giao dịch của họ.

« Ngay cả khi có thể bị một số ảnh hưởng của một số nước, Swift là một định chế siêu quốc gia, các thành viên ít nhiều được độc lập. Đó là điều khác xa so với mô hình Trung Quốc và Nga, do Nhà nước kiểm soát. Các mô hình này chắc hẳn gây hoài nghi hơn và thu hút được ít đối tác », chuyên gia Jean-François Di Meglio phân tích. « Giờ đây khi người ta đề cập đến việc loại Nga ra khỏi hệ thống Swift thì vấn đề là ở chỗ một trừng phạt như vậy, được Washington quyết định và Swift thực thi, có thể gây tác động rất tiêu cực đến hình ảnh của chính mạng lưới ». Hơn nữa hệ lụy không phải không có đối với những công ty của các nước phương Tây đang hoạt động tại Nga.

Nếu như từ khi có vụ sáp nhập Crimée, Hoa Kỳ nhiều lần nói sẵn sàng loại Matxcơva ra khỏi Swift, nhưng cho đến bây giờ đe dọa của họ vẫn chưa hề được thực thi.

(Tổng hợp từ rfi.fr và france24.com)

Bài Liên Quan

Leave a Comment