Khủng hoảng Ukraina: Mỹ ban hành loạt trừng phạt mới nhắm vào Nga

Khủng hoảng Ukraina: Mỹ ban hành loạt trừng phạt mới nhắm vào Nga

Đăng ngày: 25/02/2022

Trọng Nghĩa

Đúng như đã đe dọa, Hoa Kỳ ngày hôm qua, 24/02/2022 ban hành một loạt biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nga nhằm đáp trả hành động gây hấn quân sự của Nga đối với Ukraina. Đích thân tổng thống Mỹ Joe Biden đã loan báo quyết định này, kèm theo lời cảnh cáo là lệnh trừng phạt mới sẽ có những hậu quả “nghiêm trọng, tức thời và lâu dài” đối với nền kinh tế Nga.

Phát biểu tại Washington, chỉ vài giờ sau khi tiếp xúc trực tuyến với các nhà lãnh đạo khác trong nhóm G7 nhằm phối hợp hành động để đối phó với các diễn biến mới nhất trong cuộc khủng hoảng, ông Biden đã chỉ trích tổng thống Nga Vladimir Putin về việc khởi động “một cuộc chiến một cách vô cớ”, đồng thời cảnh báo là Washington sẵn sàng triển khai các biện pháp trừng phạt sâu rộng hơn để cô lập Nga khỏi kinh tế thế giới. 

Loạt trừng phạt bổ sung của Mỹ tập trung trên hai lãnh vực: Hạn chế xuất khẩu qua Nga và hạn chế khả năng của Nga trong việc giao thương bằng đô la Mỹ, đồng euro châu Âu, đồng bảng Anh và đồng yen Nhật Bản. 

Theo chính phủ Hoa Kỳ, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sẽ cắt đứt hơn một nửa nhập khẩu công nghệ cao của Nga, hạn chế nghiêm trọng khả năng nước này tiếp cận công nghệ và các mặt hàng khác để duy trì “khả năng quân sự năng động”. 

Washington cũng quyết định cắt đứt kết nối của Sberbank, ngân hàng tín dụng lớn nhất của Nga, với hệ thống tài chính của Hoa Kỳ. Tài sản của Ngân Hàng VTB, định chế tài chính lớn thứ hai của Nga có liên kết với hệ thống tài chính Hoa Kỳ, cũng bị phong tỏa. 

Từ Washington, thông tín viên RFI Guillaume Naudin tường thuật:

“Đây là phát biểu đầu tiên của ông Joe Biden kể từ khi chiến sự bùng lên ở Ukraina. Tổng thống Mỹ tố cáo quyết định có tính toán trước của một bạo chúa.  

Hoa Kỳ không gửi binh sĩ đến Ukraina nhưng tiếp tục đánh vào túi tiền của Nga. Tài sản của các nhân vật quan trọng tại Nga cũng bị phong tỏa, tương tự như 4 ngân hàng Nga khác, ngoài hai ngân hàng đã bị đưa vào sổ đen. Khả năng hoạt động của các thực thể bị trừng phạt trên các thị trường phương Tây sẽ bị hạn chế đáng kể.  

Tuy nhiên, việc Nga tiếp cận hệ thống SWIFT, cơ chế hỗ trợ trao đổi giữa các ngân hàng quốc tế, vẫn được duy trì. Cấm Nga sử dụng SWIFT là một đòn rất nặng, nhưng khả năng này chưa được tất cả các đồng minh nhất trí và Joe Biden đã thẳng thắn nêu bật điều này : 

“Trước hết, các biện pháp trừng phạt mà chúng ta áp dụng đối với các ngân hàng có hậu quả tương đương, thậm chí có thể là hậu quả quan trọng hơn việc không cho Nga tiếp cận cơ chế SWIFT. Phương án này vẫn được thảo luận, nhưng vào lúc chúng tôi đang nói, đó không phải là một quyết định mà phần còn lại của châu Âu mong muốn. Các biện pháp trừng phạt mà chúng ta áp đặt còn đi xa hơn bao giờ hết, và được 2/3 thế giới cùng tham gia. Đây là những hình phạt nặng nề. Chúng ta sẽ bàn lại về các biện pháp này một lần nữa trong vòng một tháng tới đây để xem xét hiệu quả”. 

Xuất khẩu công nghệ cao của Mỹ sang Nga hầu như bị cấm. Đối với ông Joe Biden, điều đó sẽ cản trở các dự án công nghiệp trong tương lai của Điện Kremlin. Ông cho rằng các biện pháp trừng phạt này sẽ khiến Nga phải trả giá đắt ngay tức thời, nhưng cũng nói rằng một số tác động chỉ được nhìn thấy trong dài hạn, tức rất lâu sau cuộc xâm lược Ukraina”.

Bài Liên Quan

Leave a Comment