Nga xâm lược Ukraine: Liệu Tổng thống Putin sẽ bấm nút hạt nhân hay không?
28 tháng 2 2022
\”Nhiều lần tôi đã nghĩ Tổng thống Nga Putin sẽ không bao giờ làm điều đó, thế nhưng ông ấy đã thực hiện\”, phóng viên Steve Rosenberg của BBC nhận định.
\”Putin sẽ không bao giờ sáp nhập Crimea và rồi ông ấy đã làm.\”
\”Putin sẽ không bao giờ khởi động một cuộc chiến tại Donbass và ông ấy đã thực hiện.\”
\”Putin sẽ không bao giờ tiến hành một xâm lược toàn diện nhằm vào Ukraine và ông ấy đã tiến hành\”, Steve Rosenberg viết.QUẢNG CÁOhttps://637aed12d30fd22da67916e1fcae89f3.safeframe.googlesyndication.com/safeframe/1-0-38/html/container.html
Và Steve Rosenberg đi đến kết luận rằng cụm từ \”sẽ không bao giờ\” không thể được áp dụng cho Vladimir Putin.
Tất cả đã đưa đến một câu hỏi không mấy dễ chịu, \”Ông ấy sẽ không bao giờ nhấn nút hạt nhân trước phải không?\”
Đây không phải là một câu hỏi về mặt lý thuyết. Ông Putin nói đã ra lệnh cho quân đội Nga đặt các lực lượng hạt nhân trong tình trạng \”báo động đặc biệt\” để đáp lại điều mà ông mô tả là \”sự hung hãn\” của Nato.
Nếu lắng nghe kỹ những gì Tổng thống Putin đã nói, vào ngày 17/02 khi ông tuyên bố trên truyền hình về \”hoạt động quân sự đặc biệt\” của ông (trên thực tế là cuộc xâm lược toàn diện Ukraine), ông cũng đưa ra một lời cảnh báo khiến \’rợn sống lưng\’:
\”Với bất kỳ ai đang muốn can thiệp từ bên ngoài – nếu làm điều đó thì người đó sẽ lãnh chịu hậu quả chưa từng có trong lịch sử.\”
\”Ngôn từ của Putin dường như một lời đe dọa trực tiếp về một cuộc chiến hạt nhân,\” người được trao giải Nobel Hòa bình 2021, nhà báo Dmitry Muratov, tổng biên tập tờ Novaya Gazeta nhận định.
\”Trong bài phát biểu trên truyền hình đó, ông Putin không hành xử như chủ nhân điện Kremlin mà là chủ nhân của hành tinh, giống như cách chủ nhân một chiếc xe sang phô trương sự giàu có bằng cách xoay móc chìa khóa thì Putin đang xoay nút bấm hạt nhân. Ông ta đã nói nhiều lần: nếu không có nước Nga thì tại sao chúng ta lại cần hành tinh này? Không ai để ý điều đó. Nhưng đây là mối hiểm nguy cho thấy rằng nếu Nga đang không được đối xử như cách mà Putin mong muốn thì mọi thứ sẽ bị hủy diệt.\”
\’Putin không có nhiều lựa chọn\’
Trong một bộ phim tài liệu năm 2018, Tổng thống Putin từng bình luận rằng \”…nếu ai đó quyết định muốn hủy diệt nước Nga thì chúng ta có quyền hợp pháp để đáp trả. Vâng, sẽ là một thảm họa cho nhân loại và thế giới. Thế nhưng là một công dân Nga và một người đứng đầu quốc gia. Nếu không có nước Nga thì tại sao chúng ta lại cần hành tinh này?\”
Đến năm 2022 thì ông Putin đã tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện nhằm vào Ukraine thế nhưng lực lượng vũ trang Ukraine đã kháng cự quyết liệt, Kremlin cũng ngỡ ngàng khi các quốc gia phương Tây cùng đoàn kết áp đặt các lệnh trừng phạt tài chính và kinh tế nhằm vào Moscow. Sự hiện hữu của hệ thống Putin có lẽ đã trở nên bị ngờ vực.
\”Putin đang trong thế kẹt,\” nhà phân tích quốc phòng Pavel Felgenhauer tại Moscow nhận định. \”Ông ta không có nhiều lựa chọn, một khi phương Tây đã đóng băng tài sản của Ngân hàng trung ương Nga và hệ thống tài chính Nga thật sự bị sụp đổ. Điều này khiến hệ thống này không thể vận hành.
\”Một lựa chọn cho Putin đó là cắt nguồn cung cấp khí đốt đến Châu Âu, và hy vọng các quốc gia phương Tây sẽ giảm leo thang căng thẳng. Một lựa chọn khác là cho nổ vũ khí hạt nhân ở đâu đó ngoài Biển Bắc giữa Anh và Đan Mạch để xem chuyện gì sẽ xảy ra.\”
Nếu Vladimir Putin chọn vũ khí hạt nhân thì ai thân cận với ông ta có thể khuyên can hay ngăn cản?
\”Giới chính trị cấp cao của Nga không bao giờ đứng về phía người dân,\” nhà báo Dmitry Muratov, người được trao giải Nobel Hòa bình 2021 nói. \”Họ luôn luôn đứng về phe của lãnh chúa.\”
Và trong một nước Nga của Putin thì lãnh chúa nắm quyền lực tối thượng. Đây là quốc gia có rất ít sự phân chia quyền lực.
\”Không ai sẵn sàng chống lại Putin,\” Pavel Felgenhauer nói. \”Chúng ta đang trong một thời điểm nguy hiểm.\”
Cuộc chiến tại Ukraine là cuộc chiến của Vladimir Putin. Nếu nhà lãnh đạo điện Kremlin đạt được mục tiêu quân sự thì tương lai của Ukraine là một quốc gia có chủ quyền sẽ bị ngờ vực. Nếu cảm thấy đang bị thất thế và chịu tổn thất nhân mạng nặng nề thì có mối quan ngại rằng Kremlin sẽ áp dụng thêm các phương cách nguy hiểm.
Đặc biệt nếu cụm từ \”sẽ không bao giờ\” không còn tác dụng.
\’Chính xác là điều Nato lo sợ\’
Frank Gardner, phóng viên an ninh của BBC nhận định việc Putin ra lệnh cho quân đội Nga đặt các lực lượng hạt nhân trong tình trạng \”báo động đặc biệt\” là dấu hiệu cho thấy sự giận dữ của ông chủ điện Kremlin trước các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Nga và sự ảo tưởng đã có từ lâu về chuyện Nga đang bị Nato đe dọa.
Động thái này của Putin đã khiến phương Tây chú ý và việc leo thang căng thẳng nay chính xác là điều mà các nhà hoạch định chính sách quân sự của Nato lo sợ, và cũng là lý do tại sao liên minh quân sự này liên tục tuyên bố sẽ không gửi binh sĩ để giúp Ukraine chiến đấu chống Nga.
Chiến dịch quân sự của Nga đang không diễn ra như hoạch định. Trong ngày thứ tư của cuộc xâm lược Ukraine, Nga đã không chiếm được một thành phố quan trọng nào của Ukraine và quân đội Nga dường như bị tổn thất nặng nề.
Điều này đã khiến Moscow nản chí và mất kiên nhẫn. Và thật khó để thấy các cuộc hòa đàm được đề xuất ở biên giới với Belarus có thể dẫn đến một thỏa thuận làm hài lòng cả Moscow và Kyiv.
Putin muốn nắm trọn Ukraine còn chính phủ Zelensky thì muốn độc lập. Một dạng bất đồng nhưng vậy thì rất khó để đạt được sự thỏa hiệp.
Dự báo là trong những ngày tới thì Nga sẽ tăng cường tấn công vào Ukraine và có thể là ít cân nhắc đến việc không gây thương vong cho dân thường như đã thể hiện cho đến nay.
\’Bàn đạp tấn công\’
Ngày 27/02, Belarus đã bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu ý dân nhằm thông qua một hiến pháp mới theo đó hủy bỏ tình trạng phi hạt nhân hiện tại của mình.
Kết quả là 65,2% số người tham gia bỏ phiếu thuận và điều này đồng nghĩa lần đầu tiên một quốc gia thuộc Liên Xô cũ và hiện là đồng minh của Nga có thể chứa vũ khí hạt nhân kể từ khi giành được độc lập vào năm 1990.
Động thái này có thể khiến Belarus trở thành \’bàn đạp\’ để Nga tấn công vào Ukraine.
Nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko vốn có mối quan hệ gần gũi với Tổng thống Nga Putin.
Phát biểu ngày 27/02 tại phòng phiếu, ông Lukashenko nói: \”Nếu các bạn [phương Tây] vận chuyển vũ khí hạt nhân đến Ba Lan hay Lithuania, và biên giới chúng tôi, thì sau đó tôi sẽ xoay qua Putin để trả lại số vũ khí hạt nhân mà không cần bất kỳ điều kiện gì.\”
Phương Tây tuyên bố không công nhận kết quả của cuộc trưng cầu này, vốn diễn ra trong bối cảnh các phe đối lập của chính phủ Belarus bị đàn áp mạnh mẽ. Theo các nhà hoạt động nhân quyền thì tính đến ngày 27/02 có hơn 1.000 tù nhân chính trị tại Belarus.
Cuộc trưng cầu cũng làm nổ ra các cuộc biểu tình tại một số thành phố và ít nhất 290 người đã bị bắt giữ.
Thay đổi hiến pháp cũng đảm bảo Lukashenko có thể tại vị đến năm 2035. Ông đã nắm quyền từ năm 1994 đến nay.
Từ năm 1994 đến 1996, các quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ là Belarus, Ukraine và Kazakhstan đã cùng đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy những đảm bảo an ninh, vốn hiện thời đã bị đổ vỡ.