Loại Nga khỏi hệ thống Swift : Con dao hai lưỡi đối với phương Tây

Loại Nga khỏi hệ thống Swift : Con dao hai lưỡi đối với phương Tây

Đăng ngày: 27/02/2022

Thu Hằng

Sau một thời gian do dự, ngày 27/02/2022, phương Tây đã quyết định loại nhiều ngân hàng Nga khỏi hệ thống Swift. Được coi là “vũ khí hạt nhân” trên bình diện tài chính, hệ thống Swift sẽ tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế và người dân Nga nhưng các nước trên thế giới cũng bị vạ lây. Vậy hệ thống Swift là gì ? Đài truyền hình Pháp France 24 giải thích trong bài viết ngày 25/02/2022. 

Swift là tên viết tắt của “Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication” (Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu). Được thành lập năm 1973, công ty tư nhân có trụ sở ở Bỉ đã xây dựng một mạng lưới khổng lồ về thông tin được bảo mật tối đa dành riêng cho các giao dịch tài chính.  

Cụ thể, theo giải thích với France 24 của bà Yamina Fourneyron, giáo sư khoa học kinh tế tại đại học Lorraine (Pháp), “Swift là một trung gian tin học không thực hiện các lệnh chuyển tiền nhưng tập trung những lệnh chuyển tiền giữa khách hàng của các ngân hàng khác nhau. Đó là một công cụ quan trọng để tạo thuận lợi và bảo đảm an toàn cho các giao dịch lớn”. 

Hiệp hội này hiện có hơn 11.000 ngân hàng ở khoảng 200 nước trên thế giới và đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tài chính quốc tế. Năm 2021, mạng lưới này đã chuyển khoảng 10,6 tỉ lệnh thanh toán trên khắp toàn cầu. Để loại khoảng 300 ngân hàng và thể chế Nga khỏi hệ thống này, các nước phương Tây phải gây sức ép đối với công ty và thuyết phục ít nhất 13 trên 25 thành viên của hội đồng quản trị của Swift đưa ra quyết định trên.   

Hậu quả “tàn khốc” cho Nga  

Loại một quốc gia khỏi hệ thống Swift không phải là điều chưa từng có. Biện pháp này đã được áp dụng đối với Bắc Triều Tiên năm 2017 sau hàng loạt vụ thử tên lửa. Tiếp theo là Iran trong thời gian từ 2012 đến 2016 và được tổng thống Mỹ Donald Trump tái áp dụng năm 2018. Biện pháp này từng được cân nhắc áp dụng đối với Nga sau khi chính quyền tổng thống Putin sáp nhập bán đảo Crimée năm 2014.   

Trung tâm Carnergie Matxcơva từng lưu ý là hậu quả của việc các ngân hàng Nga bị cắt đứt khỏi hệ thống sẽ rất “tàn khốc, đặc biệt là trong ngắn hạn”. Ví dụ “sau khi các ngân hàng Iran bị loại khỏi hệ thống Swift, nước này bị mất gần một nửa thu nhập từ xuất khẩu dầu lửa và 30% ngoại thương”.  

Trong trường hợp bị trừng phạt, hoạt động của hệ thống ngân hàng Nga sẽ bị chậm lại. Các doanh nghiệp của nước này phải tìm cách khác để giao dịch với nước ngoài. Giáo sư Yamina Fourneyron giải thích : “Cứ thử hình dung một nhà xuất khẩu Nga muốn mua rượu sâm banh Pháp. Họ sẽ bị chặn vì ngân hàng Nga không thể chuyển lệnh chuyển tiền đến ngân hàng Pháp. Doanh nghiệp Nga sẽ phải thanh toán bằng tiền mặt hoặc phải có một tài khoản khác trong một ngân hàng kết nối với Swift ở một nước khác, ví dụ ở Pháp hay ở Chypre”.   

Để giảm bớt hiệu quả của biện pháp trừng phạt này, các ngân hàng Nga có thể sẽ dựa vào một hệ thống truyền tin bảo mật thay thế khác, đó là hệ thống SPFS, được Ngân hàng Nga khởi động từ năm 2014 sau khi cộng đồng quốc tế dọa loại Nga khỏi Swift vì sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina. SPFS có cùng dịch vụ như Swift nhưng hiện chỉ có khoảng 20 ngân hàng nước ngoài sử dụng.  

Về mặt lý thuyết, một doanh nghiệp Nga có thể yêu cầu một ngân hàng Ấn Độ, tham gia hệ thống SPFS, thực hiện lệnh chuyển tiền qua hệ thống Swift vì một ngân hàng có thể cùng lúc là thành viên của nhiều mạng lưới truyền thông tin. Tuy nhiên, “cách làm này sẽ lâu hơn và tốn kém hơn vì phải qua thêm một trung gian”, theo giải thích của giáo sư Pháp Yamina Fourneyron. “Điều này chắc chắn sẽ khiến hoạt động của doanh nghiệp Nga phức tạp hơn. Nhưng nhìn vào tốc độ đổi mới tài chính, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ hoàn toàn có khả năng đề xuất những giải pháp thay thế”.  

Con dao hai lưỡi cho phương Tây   

Loại Nga khỏi hệ thống Swift còn có thể thúc đẩy điện Kremlin tăng tốc phát triển mạng lưới thay thế của Nga và tác động đến các giao dịch bằng đô la được tiến hành qua Swift. Sự phát triển của hệ thống SPFS không phải là tin tốt cho Washington, trong khi Nga cũng có tham vọng gộp hệ thống của họ với dịch vụ tương tự của Trung Quốc : CIPS (Cross-Border Inter-Bank Payments System).  

Mục tiêu lâu dài của Nga và Trung Quốc là đưa các nước đang phát triển như Ấn Độ và Iran vào mạng lưới mới này và khẳng định sự độc lập của họ với các định chế tài chính Mỹ.  

Cuối cùng, biện pháp loại Nga khỏi Swift cũng khiến nhiều doanh nghiệp châu Âu gặp khó khăn, kể cả các doanh nghiệp Pháp như tập đoàn TotalEnergie hay ngân hàng Société Générale hoạt động rất mạnh ở Nga. Từ nhiều năm nay, Pháp là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai ở Nga và là chủ lao động lớn nhất, sử dụng 160.000 nhân viên. Giáo sư khoa học kinh tế Yamina Fourneyron giải thích với France 24 : “Sẽ còn có vấn đề với việc mua khí đốt Nga ở châu Âu. Để thanh toán cho các doanh nghiệp Nga, các nước châu Âu cũng sẽ phải đi đường vòng” và điều này sẽ khiến giá năng lượng đang ở mức cao còn tăng thêm nữa.  

Nói tóm lại, loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống Swift là “con dao hai lưỡi”. Dù gây hậu quả “tàn khốc” cho nền kinh tế Nga nhưng quyết định này cũng gây thiệt hại cho các nước phương Tây. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment