Gruzia và Moldova chính thức xin gia nhập Liên Hiệp Châu Âu
Đăng ngày: 04/03/2022
Chi Phương
Gruzia và Moldova đã chính thức đệ đơn xin gia nhập Liên Hiệp Châu Âu hôm qua, 03/03/2022. Cuộc xâm lược Ukraina của Nga từ một tuần nay là một mối lo ngại đối với hai quốc gia đều thuộc Liên Xô cũ, mà Nga vẫn coi là nằm trong vùng ảnh hưởng của mình.
Trong một thông cáo, được AFP trích dẫn, thủ tướng Gruzia cho biết gia nhập Liên Hiệp Châu Âu là một “mục tiêu chiến lược”. Chiến tranh Ukraina khiến quốc gia 3,7 triệu dân này lo ngại trở thành mục tiêu tiếp theo của Matxcơva. Vào năm 2008, Nga đã tấn công Gruzia với những lý do gần như tương tự đối với Ukraina. Từ thủ đô Tbilissi của Gruzia, thông tín viên RFI Régis Genté tường trình :
“Các hình ảnh về việc Nga xâm lược Ukraina xuất hiện càng nhiều trên truyền hình thì người Gruzia lại càng thêm lo lắng và mơ về châu Âu. Mỗi khi tối đến, đám đông tụ tập trước tòa nhà Quốc Hội ở Tbilisi ngày càng đông đảo để ủng hộ “những người anh em Ukraina”. Cảnh đường phố Gruzia hiện giờ là minh chứng cho các cuộc thăm dò được thực hiện từ 20 năm qua, theo đó, ba phần tư người Gruzia ủng hộ việc xích gần lại châu Âu và NATO.
Chính phủ dưới quyền nhà tài phiệt Bidzina Ivanishvili lâm vào tình trạng khó xử. Có lẽ vì sợ Matxcơva trả đũa. Trong vòng nhiều ngày, ông đã làm hết sức để ngăn chặn hơn 150 tình nguyện viên Gruzia lên đường đi Ukraina chiến đấu. Thế nhưng, dưới sức ép của công luận và bản kiến nghị với chữ ký của hàng chục nghìn người Gruzia, thủ tướng Irakli Garbibachvili đã ký một đơn chính thức xin gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, tương tự với đơn mà tổng thống thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã ký trước đó.”
Cũng như Gruzia, Moldova, một quốc gia khác thuộc Liên Xô cũ, đã nộp đơn chính thức xin gia nhập khối 27 nước châu Âu trong cùng ngày. Với khoảng 2,6 triệu dân, Moldova là một trong những nước nghèo nhất châu Âu và phải đối phó với nạn di cư ồ ạt do tình trạng thất nghiệp ở nước này.
AFP cho biết, gia nhập Liên Âu là một quá trình lâu dài, đòi hỏi các đàm phán phức tạp liên quan đến các tiêu chí khó có thể đáp ứng, nhất là đối với quốc gia đang có chiến tranh, ví dụ như các tiêu chí liên quan đến ổn định chính trị và nền kinh tế thị trường vững chắc.