Nga khẳng định tiếp tục sử dụng tên lửa siêu thanh tấn công Ukraina
Đăng ngày: 20/03/2022
Thùy Dương
Hôm nay 20/03/2022, Nga khẳng định lần thứ hai liên tiếp quân đội sử dụng tên lửa siêu thanh oanh kích các mục tiêu ở Ukraina, lần này để phá hủy một kho nhiên liệu ở miền nam Ukraina.
Trong một thông cáo, bộ Quốc Phòng Nga hôm nay 20/03 tuyên bố : « Một kho lớn dự trữ nhiên liệu đã bị phá hủy bởi các tên lửa hành trình Kalibr bắn từ Biển Caspi, cũng như bởi các tên lửa đạn đạo siêu thanh Kinjal phóng đi từ không phận Crimée ». Bộ Quốc Phòng Nga còn cho biết vụ oanh kích này nhắm tới vùng Mykolaïv, mục tiêu bị phá hủy là « nguồn cung ứng chính nhiên liệu cho các xe bọc thép của Ukraina » được triển khai ở miền nam đất nước.
Bộ Quốc phòng Nga cũng tuyên bố « tên lửa có độ chính xác cao » mà Matxcơva cho phóng đi đã bắn trúng một trung tâm huấn luyện của lực lượng đặc nhiệm Ukraina ở vùng Zhytomyr, cách thủ đô Kiev 150 km về phía tây và « hơn 100 lính đặc nhiệm (Ukraina) và lính đánh thuê nước ngoài đã bị giết chết ».
Xin nhắc lại bộ Quốc Phòng Nga hôm qua 19/03 thông báo lần đầu tiên sử dụng tên lửa siêu thanh « Kinjal » để phá hủy một kho đạn ngầm của quân đội Ukraina trong lòng đất, gần thành phố Lviv ở miền tây Ukraina vào hôm thứ Sáu 18/03. Theo AFP, tất cả những thông tin chỉ là do phía Nga đưa ra nhưng chưa được các nguồn tin độc lập xác minh. Nếu đúng thì đây là đợt đầu tiên Nga sử dụng loại tên lửa được thử nghiệm thành công hồi năm 2018.
Mặc dù về lý thuyết tên lửa siêu thanh có khả năng phá hủy mạnh hơn và sâu hơn, nhưng báo Pháp Libération dẫn lời chuyên gia về quân sự Nga, Pavel Felgenhauer, cho biết việc sử dụng tên lửa siêu thanh sẽ không mang lại lợi thế chiến lược cho quân đội Nga tại Ukraina. Tuy nhiên, việc sử dụng loại vũ khí này chắc chắn sẽ gây hiệu ứng tâm lý, khiến cho người Ukraina mất tinh thần, sợ hãi và Nga có thể tuyên truyền về điều đó.
Tên lửa đạn đạo siêu thanh « Kinjal » và tên lửa hành trình « Zircon » thuộc dòng vũ khí mới do Nga phát triển và từng được tổng thống Vladimir Putin mô tả là « bất khả chiến bại », vì nhanh, dễ điều khiển, có thể vượt qua các hệ thống phòng thủ của đối phương.
Tên lửa siêu thanh Nga có thay đổi cục diện chiến tranh ở Ukraina?
Đăng ngày: 20/03/2022
Trọng Thành
Trong hai ngày, 19 và 20/03/2022, chính quyền Nga tuyên bố hai lần sử dụng tên lửa siêu thanh Kinjal để tấn công vào hai « vị trí chiến lược » của quân đội Ukraina. Đây là lần đầu tiên Nga sử dụng loại vũ khí đáng sợ, mà hiện tại phương Tây chưa có phương tiện để ngăn chặn. Việc Matxcơva dùng tên lửa siêu thanh có ý nghĩa gì ? Có khả năng làm thay đổi cục diện chiến tranh không ?
Sau một thời gian hơn ba tuần lễ đầu sử dụng các vũ khí quy ước, chủ yếu với thiết giáp, hỏa tiễn thông thường, không quân, quân đội Nga chuyển sang loại vũ khí nằm ở ranh giới vũ khí thông thường – « vũ khí răn đe », tức vũ khí có mức độ hủy diệt kinh hoàng, chỉ dùng để đe dọa đối phương chứ không để sử dụng. Nếu như nhiều chuyên gia khẳng định việc Nga dùng tên lửa siêu thanh có tác động trước hết về tâm lý, gây sợ hãi, mất tinh thần là chính, một số khác lo ngại việc sử dụng loại vũ khí này có thể làm thay đổi ít nhiều cục diện, ít nhất cũng để ngỏ khả năng khiến cường độ cuộc chiến gia tăng, và nhiều diễn biến khó đoán định.
Đổi hướng bất ngờ, khó phát hiện, độ chính xác cao
Trong những năm gần đây, Nga được coi là đã đi trước một bước so với phương Tây trong việc phát triển tên lửa siêu thanh tầm ngắn và tầm trung, thứ vũ khí có thể cùng lúc mang đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân. Nga hiện sở hữu hai loại tên lửa siêu thanh, Zirkon và Kinjal. Zirkon có tầm bắn 1.000 km, được trang bị cho tàu chiến và tàu ngầm. Loại tên lửa Kinjal mà quân Nga cho biết vừa sử dụng, hiện được trang bị cho các chiến đấu cơ MIG-31.
Theo BFM TV, năm 2018, loại tên lửa Kinjal được thực nghiệm thành công, bắn trúng các mục tiêu ở khoảng cách hơn 1.000 cây số. Tên lửa siêu thanh này có tầm bắn đến 3.000 km, với vận tốc tối đa 12.000 km giờ. Điểm đặc biệt đáng sợ khiến loại vũ khí tốc độ siêu nhanh này gần như không thể phát hiện và đánh chặn được, là tên lửa có thể đổi hướng bất ngờ, có thể bay ờ độ cao rất thấp, hoặc bay vọt lên rất cao, khiến các hệ thống ra đa trở nên gần như bất lực.
Áp đảo tâm lý
Tạo thế áp đảo về tâm lý trên chiến trường trong một giai đoạn mà Nga có nguy cơ bị cô lập trên trường quốc tế do cuộc xâm lăng tàn bạo tại Ukraina, bù lấp lại lượng tên lửa tầm ngắn và tầm trung thông thường, bị cạn kiệt do sử dụng, hay thử phản ứng của phương Tây…. Có nhiều lý do khiến Nga quyết định huy động loại vũ khí độc nhất vô nhị này vào giai đoạn chiến tranh hiện nay.
Trả lời ban Quốc tế đài RFI, tướng Dominique Trinquand, cựu chỉ huy lực lượng Pháp của Liên Hiệp Quốc, giải thích là loại vũ khí này không mang lại một lợi thế chiến lược thực sự cho Nga, nhưng « có tác dụng tức thời về mặt tâm lý ». Tuy nhiên theo vị tướng Pháp, loại vũ khí rất hiện đại này Nga không có nhiều về số lượng, và việc sử dụng chúng không làm thay đổi chiều hướng chiến tranh.
Che lấp điểm yếu của quân Nga trên chiến trường
Mục tiêu khác của việc sử dụng vũ khí này, theo tướng Trinquand, là che lấp những nhược điểm lộ rõ của quân đội sau hơn ba tuần chiến tranh đầu tiên. Nga sử dụng tên lửa siêu thanh để bù lấp thiếu hụt về hỏa tiễn tầm ngắn và tầm trung thông thường, cũng là ý kiến được chuyên gia về an ninh Héloise Fayet (Viện Quan hệ Quốc tế Pháp Ifri) chia sẻ trên France Info. Việc Nga phải sử dụng tên lửa siêu thanh, được coi ít nhiều là loại vũ khí răn đe vào cuộc chiến tranh thông thường hiện nay có thể là dấu hiệu cho thấy quân đội Nga không có đủ khả năng « kiểm soát hoàn toàn bầu trời », và phòng không Ukraina vẫn còn có khả năng gây tổn thất cho quân xâm lược.
Quân đội Nga, sau ba tuần chiến tranh bộc lộ rõ đầy đủ các nhược điểm trên chiến trường, từ hậu cần đến khả năng tác chiến, tình báo, phương tiện…, nay với tên lửa siêu thanh muốn tỏ ra vượt trội so với phương Tây ít nhất cũng về loại vũ khí đặc biệt, mà Nga được coi là có phần đi trước phương Tây hẳn một bước.
Phô trương vũ khí vượt trội
BFM TV dẫn lời cựu thứ trưởng Quốc Phòng Nga Andre Kartapolov, chủ tịch Ủy Ban Quân Lực Hạ Viện Nga, tỏ ra rất coi thường khả năng hiện tại của phương Tây trong việc đối phó với các loại tên lửa siêu thanh của Nga, do đầu tư không đủ. Theo cựu thứ trưởng Quốc Phòng Nga, một chùm tên lửa siêu thanh Zirkon bắn từ tầu ngầm hoặc từ chiến hạm trên biển có khả năng hủy diệt nhiều tầu sân bay Mỹ.
Bộ Quốc Phòng Mỹ dự kiến chỉ hoàn thiện tên lửa siêu thanh vào năm 2024, tên lửa siêu thanh trang bị cho tầu ngầm dự kiến chỉ đến năm 2028. Chỉ đến tháng 11 năm ngoái, Mỹ mới bắt đầu đặt hàng ba tập đoàn Raytheon, Lockheed Martin và Northrop Grumman phát triển hệ thống tên lửa chống hỏa tiễn siêu thanh, trị giá 60 triệu euro.
Trắc nghiệm phản ứng của phương Tây
Việc trắc nghiệm phản ứng của phương Tây có lẽ là một mục tiêu hàng đầu của Nga. Trên đài France 2, chuyên gia quân sự Xavier Tyteman nêu ba lý do khiến Nga sử dụng loại vũ khí đặc biệt này. Thứ nhất là để cảnh cáo Hoa Kỳ về sức mạnh của Nga, dội một gáo nước lạnh vào nỗ lực của Mỹ tăng cường hỗ trợ khả năng phòng không của quân đội Ukraina. Thứ hai là kiểm tra khả năng sử dụng tên lửa siêu thanh trong hoàn cảnh chiến tranh thực, và thứ ba, với loại tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân này, một lần nữa nhắc lại răn đe sử dụng vũ khí nguyên tử.
Loại vũ khí siêu thanh, vốn vẫn được coi là nằm trong hệ thống vũ khí chiến lược mang tính răn đe, có thể nói đang tạo ra một bước ngoặt trong học thuyết quân sự của các đại cường nguyên tử. Việc đưa vũ khí siêu thanh vào sử dụng trong chiến tranh quy ước, khiến nguy cơ chiến tranh trở nên quyết liệt hơn, khốc liệt hơn. Việc Nga chính thức đưa vào sử dụng tên lửa siêu thanh trong chiến tranh tại Ukraina có thể coi là một cái mốc, thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang mới giữa các cường quốc.
Chuyên gia Héloise Fayet (Viện Ifri) nhận định, phương Tây không phản ứng gì sau đợt tấn công đầu tiên với tên lửa siêu thanh. Nhưng nếu Matxcơva một lần nữa sử dụng loại tên lửa Kinjal này thì sẽ là chuyện khác.