Ủy Ban Châu Âu sẽ đặt mua chung khí đốt cho toàn bộ 27 nước thành viên Liên Âu

\"\"
Việc thi công kho khí đốt tự nhiên hóa lỏng tại Brunsbuettel, miền Bắc Đức. Ảnh: AP 

Đăng ngày: 26/03/2022

Thanh Phương

Hôm qua, 25/03/2022, trong cuộc họp thượng đỉnh tại Bruxelles, các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định giao cho Ủy Ban Châu Âu nhiệm vụ đặt mua chung khí đốt, trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt do tác động của chiến tranh Ukraina.

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet gởi về bài tường trình :

“Sau các cuộc thảo luận dài, các bên đã đưa ra ba quyết định có liên quan đến toàn bộ các nước châu Âu. Trước hết, Ủy Ban Châu Âu, như đã làm đối với vac-xin ngừa Covid-19, sẽ thương lượng các hợp đồng đặt mua khí đốt chung cho toàn bộ 27 nước thành viên. Theo tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Ủy Ban có thể thương lượng đến 75% lượng khí đốt dành cho người tiêu dùng và ngành công nghiệp châu Âu. Như vậy là Ủy Ban Châu Âu sẽ có một sức mạnh thương mại rất lớn. 

Ngoài ra còn có hợp đồng ký với Hoa Kỳ, sẽ cung cấp thêm 15 tỷ mét khối khí thiên nhiên hóa lỏng mỗi năm cho Liên Hiệp Châu Âu, để tăng lên thành tổng công 50 tỷ mét khối/năm.

Kho dự trữ chiến lược của mỗi quốc gia thành viên sắp tới đây sẽ phải được bơm đầy. Mức dự trữ của các kho này đã xuống đến mức thấp nhất vào cuối năm ngoái, bởi vì, do không có đủ điện gió và điện mặt trời, nên các nước đã phải xài thêm khí đốt.

Cũng phải kể đến một quyết định có lợi cho Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Hai nước này được phép giảm giá khí đốt sử dụng để sản xuất điện, tức là tách giá khí đốt khỏi giá điện, bởi vì Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha chủ yếu sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Đây là đề nghị mà nước Pháp đã đưa ra vào mùa thu năm ngoái, muốn tranh thủ nguồn điện sản xuất từ năng lượng hạt nhân.”

Cũng tại thượng đỉnh Bruxelles hôm qua, 27 nước thành viên đã đưa ra một sáng kiến chung của Liên Hiệp Châu Âu để giảm nhẹ nạn khan hiếm lương thực do chiến tranh tại Ukraina, vẫn được mệnh danh là “vựa lúa mì của châu Âu”, tại những quốc gia bị tác động nặng nhất. Xung đột giữa Nga và Ukraina, hai nước xuất khẩu ngũ cốc lớn của thế giới, có thể gây khủng hoảng lương thực trầm trọng trong vòng một năm tới ở châu Phi và châu Á.

Bài Liên Quan

Leave a Comment