7 giờ trước
Hungary và Serbia thuộc số các nước bỏ phiếu ủng hộ tạm thời loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ, trong phiên bỏ phiếu ngày 7/4.
Trong số 193 thành viên của Đại hội đồng, có 93 nước bỏ phiếu ủng hộ, 24 nước bỏ phiếu chống và 58 nước bỏ phiếu trắng
Đây là động thái chính trị do Hoa Kỳ khởi xướng, và đáng chú ý khi Hungary và Serbia – hai quốc gia được xem là thân thiện với Tổng thống Vladimir Putin – lại bỏ phiếu theo Mỹ.
Hôm 8/4 Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố kết thúc sớm tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và lên án phương Tây.
Nga đã cảnh báo các nước rằng lần này, ai bỏ phiếu đồng ý hoặc bỏ phiếu trắng sẽ bị Nga coi là một \”cử chỉ không thân thiện\”, theo hãng tin Reuters.
Vậy vì sao Serbia và Hungary lại bỏ phiếu theo Mỹ, chống Nga hôm 7/4?
Serbia và Hungary mới vừa kết thúc tổng tuyển cử.
Tổng thống Aleksandar Vucic của Serbia tuyên bố chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ngày 3/4.
Tại Hungary, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng tuyên bố giành \”thắng lợi lớn\” trong cuộc tổng tuyển cử ngày 3/4.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chúc mừng chiến thắng của Viktor Orban trong cuộc bầu cử quốc hội Hungary năm 2022.
Ông Putin cũng đã gửi điện chúc mừng tới Aleksandar Vucic.
Serbia
Hôm 7/4, đảng cánh hữu Dveri đã chỉ trích chính phủ Serbia vì bỏ phiếu chống Nga trong vụ Hội đồng nhân quyền LHQ.
Đảng Dveri ra tuyên bố rằng chính quyền Serbia đứng về phía NATO, đồng thời nói thêm rằng Tổng thống Aleksandar Vucic đã vội vàng \”thực hiện lời hứa với các cố vấn phương Tây và gây ra sự bối rối cho Serbia với những hậu quả không thể lường trước được về an ninh, kinh tế và lịch sử\”.
Đảng này cáo buộc Vucic phản bội Nga, theo trang tin N1.
Sau khi Nga xâm lược Ukraine từ ngày 24/2, chính phủ Serbia vẫn nói rằng nước này tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, nhưng sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.
Hôm 11/3, ông Vucic còn nói sẽ trừng phạt những người Serbia đang tìm cách đến Ukraine để tham chiến.
EU đã đóng cửa không phận đối với máy bay Nga, nhưng Serbia vẫn tiếp tục duy trì đi lại bằng đường hàng không với Nga.
Tuy vậy, Serbia đang chịu sức ép của phương Tây.
Sau cuộc bỏ phiếu ở LHQ, tối 7/4, Tổng thống Serbia Alexander Vucic, khi nói chuyện với Đài Truyền hình Serbia, nói rằng Serbia đang gặp rủi ro với các lệnh trừng phạt và áp lực gia tăng của phương Tây.
\”Mọi người hỏi tại sao chúng tôi không bỏ phiếu chống hoặc không bỏ phiếu trắng. Tuy nhiên, nếu chúng tôi bỏ phiếu trắng, các nước khác sẽ chống lại chúng tôi và áp lực sẽ tăng lên\”, ông nói.
\”Serbia đang trên con đường châu Âu. Chúng tôi là một quốc gia trung lập về quân sự, nhưng không phải là một quốc gia trung lập về chính trị.\”
\”Tôi thích phương Tây, tôi rất yêu nước Nga, nhưng tôi yêu Serbia nhất trên thế giới\”, Vucic nói.
Vucic nói Serbia là quốc gia duy nhất ở châu Âu không áp đặt bất kỳ biện pháp hạn chế nào đối với Nga do xâm lược Ukraine.
Cần nhắc rằng dù Serbia chưa áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, nhưng ngày 2/3 nước này cũng đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết của Đại hội đồng LHQ lên án việc Nga chiếm đóng Ukraine bắt đầu từ ngày 24/2.
Serbia đang phải đối mặt với áp lực từ EU và có thể mất cơ hội nhập khẩu năng lượng từ bất kỳ đâu do các hạn chế của khối đối với công ty Công nghiệp Dầu mỏ của Serbia (NIS).
Chủ sở hữu phần lớn của NIS là công ty Gazprom Neft của Nga.
Gói trừng phạt của EU cấm các công ty châu Âu hợp tác với một số công ty của Nga bao gồm Gazprom Neft và các công ty con mà Gazprom nắm hơn 50% quyền sở hữu.
Tổng thống Vucic nói Serbia đang lo ngại liệu sau ngày 15/5, NIS có thể không được nhập khẩu dầu do quyết định của EU.
Hungary
Hôm 4/4, Tổng thống Nga Putin chúc mừng Thủ tướng Viktor Orban đắc cử nhiệm kỳ thứ tư.
Nga nói: \”Người đứng đầu nhà nước Nga bày tỏ tin tưởng rằng bất chấp tình hình quốc tế khó khăn, việc phát triển hơn nữa quan hệ đối tác song phương sẽ mang lại lợi ích cho nhân dân Nga và Hungary.\”
Giữ chức Thủ tướng Hungary từ năm 2010, Orban được coi là lãnh đạo ủng hộ Nga nhất trong số 27 nước thành viên EU.
Nhưng hôm 7/4, Hungary, giống như Serbia, đã bỏ phiếu theo Mỹ đồng ý loại Nga khỏi Hội đồng nhân quyền LHQ.
Cùng lúc đó, tại Nghị viện châu Âu, các nghị sĩ Hungary từ đảng Fidesz cầm quyền của ông Orban, hôm 7/4, nói họ sẽ bỏ phiếu chống lại đề xuất cấm nhập khẩu dầu, khí đốt và nhiên liệu hạt nhân từ Nga.
Nghị sĩ Hungary Kinga Gál cho biết biện pháp như vậy sẽ \”phá hủy nền kinh tế Hungary\” và khiến các gia đình Hungary phải trả giá.
Nhưng để \’cân bằng, bà nói: \”Chúng tôi ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine, chúng tôi lên án sự xâm lược của Nga.\”
Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết hôm 6/4 rằng ông đã mời Tổng thống Nga Vladimir Putin tới gặp các nhà lãnh đạo Pháp, Đức và Ukraine ở Budapest.
\”Tôi đã đề nghị Tổng thống Putin tuyên bố lệnh ngừng bắn ngay lập tức. Phản hồi của ông ấy rất tích cực nhưng đi kèm với các điều kiện\”, AFP dẫn lời Thủ tướng Hungary cho hay.
Cũng ngày 6/4, ông Orban tuyên bố Hungary sẵn sàng mua khí đốt Nga bằng đồng ruble trong bối cảnh EU đang kêu gọi phản đối thanh toán bằng tiền của Nga.
\”Chúng tôi không có khó khăn gì khi mua khí đốt bằng đồng ruble. Nếu đó là những gì Nga yêu cầu, chúng tôi sẽ thanh toán bằng đồng ruble\”, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói.
Cũng cần chỉ ra rằng hôm thứ Ba, EU đã đưa ra một thủ tục chưa bao giờ được sử dụng để có thể khiến chính phủ Hungary bị tước tài trợ của EU do thiếu các tiêu chuẩn dân chủ và chống tham nhũng.
Động thái này diễn ra hai ngày sau khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban tái đắc cử với đa số áp đảo.
Người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen \”sẽ gửi thư thông báo chính thức về việc bắt đầu cơ chế có điều kiện\”.
Cuộc đụng độ mới nhất với Hungary liên quan đến hệ thống mua sắm công, xung đột lợi ích và tham nhũng và có thể khiến Budapest mất một khoản tài trợ của EU nếu được đa số 27 quốc gia thành viên tán thành.
Orban đã nhiều lần ca ngợi Nga về xã hội \”phi tự do\” thành công và thường xuyên cùng với Putin phê phán Liên minh châu Âu và NATO.
Theo các chỉ trích, Orban đã học hỏi mô hình kiểm soát truyền thông của Putin, giúp đảng Fidesz kiểm soát gần như toàn bộ truyền thông của đất nước.
Cuộc chiến ở Ukraine là một bài kiểm tra khó khăn cho Orban, người không muốn làm mất lòng Điện Kremlin nhưng cũng cần EU.