Chiến tranh Ukraina : Đã đến lúc EU phải đoạn tuyệt với dầu khí Nga ?

Đăng ngày: 08/04/2022

Anh Vũ

Chiến tranh Ukraina tiếp diễn, Liên Hiệp Châu Âu đang vét cạn các biện pháp răn đe Nga tiếp tục cuộc chiến tranh ở Ukraina. Bầu cử tổng thống Pháp đang tới sát, cử tri trở thành mối quan tâm hàng đầu khi tỷ lệ không đi bầu có thể rất cao. Đó là những chủ đề nổi bật được các báo ra ngày hôm nay tập trung phản ánh.

\"\"

Bên cạnh các tin tức về cuộc chiến tranh đang chuyển hướng về phía đông Ukraina dự báo sẽ rất khốc liệt, các hoạt động nhân đạo vẫn tiếp tục giúp các nạn nhân chiến tranh, các báo Pháp tập trung phản ánh nhiều mặt trận trừng phạt kinh tế của châu Âu đối với nước Nga. 

Nhật báo Le Monde chạy tựa lớn trang nhất : « Khí đốt Nga : Vấn đề cấm vận trở nên cấp bách ». Le Monde dành nhiều trang bài cho thấy từ hôm 06/04, Hoa Kỳ đã quyết định gia tăng áp lực về kinh tế, tài chính với Nga bằng những trừng phạt mới. Sau 42 ngày chiến tranh cùng với phát hiện ra những vụ tàn sát dã man, sự cần thiết phải chấm dứt nhập khẩu khí đốt của Nga đã trở nên cấp bách hơn. Litva đã quyết định làm như vậy và nước Đức cũng đã bắt đầu ý thức được phải xem xét lại về vấn đề này.  

Trong bài xã luận mang tiêu đề với giọng kêu gọi: « Chấm dứt khí đốt Nga » cho thấy loạt trừng phạt được 27 nước Liên Hiệp Châu Âu thông qua từ hôm 06/03 đã bế tắc ở trong vấn đề cấm vận khí đốt Nga. Tuy nhiên vấn đề này giờ đây đang không thể tránh khỏi. Từ chối cấm vận khí đốt tức chứng tỏ Châu Âu tỏ ra yếu đuối và có thể sẽ làm hỏng hết tác dụng của những trừng phạt đã có với nước Nga.  

Với Le Monde, việc Liên Âu tử bỏ khí đốt Nga giờ không phải là sự lựa chọn nữa mà là vấn đề thời gian. « Thách thức ở đây là ở chỗ sao cho không quá muộn. Dù hôm thứ Tư vừa rồi đã thông qua đợt trừng phạt thứ 5, trong đó có lệnh cấm nhập than đá của Nga, nhưng 27 nước Liên Âu có vẻ vẫn còn run tay không dám rút lá bài quyết định. Diễn tiến cuộc xâm lược của Nga ở Ukraina cho thấy thời gian giờ đây đang cấp bách. » 

Xã luận của Le Monde ghi nhận « 27 nước Châu Âu theo chiến lược trừng phạt dần dần, tuy cường độ ồ ạt chưa từng có, nhưng cũng đã không ngăn được quyết tâm của tổng thống Nga ». Tờ báo cũng nhận thấy việc cấm vận khí đốt Nga là rất phức tạp với một châu Âu bị lệ thuộc từ lâu vào nguồn năng lượng Nga và mức độ lệ thuộc mỗi nước một khác. Toàn bộ ngành công nghiệp Châu Âu không thể bỏ qua khí đốt Nga trong vài tuần. Nhưng để cuộc chiến tranh này tiếp tục, ngoài những thảm họa nhân đạo, thì kinh tế của Châu Âu cũng sẽ bị thiệt hại nặng nề. 

Le Monde nhấn mạnh : « Cũng giống cách EU đã tìm được những cơ chế đoàn kết để đối mặt với đại dịch, 27 nước phải cùng phát minh những giải pháp để cai khí đốt Nga sao cho đỡ thiệt hại nhất có thể » và tờ báo kết luận « Đã đến lúc phải chấm dứt với khí đốt Nga » và cũng là cơ hội để châu Âu giải bài toán chuyển đổi năng lượng. Thế nhưng để tìm được các giải pháp thay thế năng lượng Nga thì lại cần phải có thời gian. 

Bỏ qua năng lượng Nga : Vấn đề vẫn gây chia rẽ trong EU 

Không chỉ dư luận báo chí Pháp mà cả giới chính trị cũng lên tiếng gọi Liên Âu phải chấp nhận đau thương từ bỏ năng lượng của Nga. Nhật báo kinh tế Les Echos ghi nhận qua bài : « các nghị sĩ Châu Âu đòi cấm vận toàn bộ năng lượng hóa thạch Nga ». Trong khi đó Libération trong bài viết có tựa đề « Đối phó với Nga, Liên Âu siết chặt các trừng phạt » cho biết, 27 nước châu Âu hôm thứ Năm (07/04) đã thông qua gói trừng phạt thứ 5 nhằm vào chế độ Matxcơva, được tính có thể gây thiệt hại cho Nga 20 tỷ euros. Biện pháp trọng tâm là cấm nhập khẩu than đá, nhưng vẫn chưa mở ra hướng cấm vận hoàn toàn dầu mỏ và khí đốt Nga. Những tác động kinh tế của lệnh cấm vận khí đốt và dầu mỏ Nga vẫn là vấn đề gây chia rẽ các thành viên Liên Hiệp.

Theo Libération thiệt hại kinh tế với tổng thể châu Âu không đến mức lớn như dự tính nhưng với mỗi nước một khác. Libération nêu con số, nếu cấm vận hoàn toàn dầu lửa và khí đốt Nga, Pháp có thể thiệt hại bình quân mỗi đầu người là 100 euro/năm, trong khi con số này với nước Đức lên tới 800 đến 900 euro. Vì thế mà các nước mới không thể nhất trí với nhau, và hiện tại, mỗi ngày EU vẫn cứ rót đều 800 triệu tiền mua năng lượng cho nước Nga.  

Macron có nên tiếp tục nói chuyện với Putin ? 

Chuyển qua nhật báo Le Figaro với một chủ đề khác vẫn liên quan đến nước Nga, nhưng trên mặt trận ngoại giao. Nhật báo Pháp đặt câu hỏi : « Macron có nên tiếp tục nói chuyện với Putin ? » 

Tờ báo nhận thấy, trong 6 tuần nỗ lực đối thoại, tổng thống Pháp đã không thu được gì từ chủ nhân điện Kremlin, ngoài một đồng ý tối thiểu cho mở chút hành lang nhân đạo ở Mariupol mà vẫn không có ngừng bắn.  

Theo le Figaro, từ đầu cuộc chiến tranh tổng thống Emmanuel Macron đã có hơn một chục cuộc nói chuyện điện thoại với tổng thống Nga Vladimir Putin, mỗi lần kéo dài ít nhất 1 giờ 15 phút. Các cuộc trao đổi luôn căng thẳng và khó khăn, đôi khi gây thất vọng. Tổng thống Pháp luôn liên tục phải nghe người đồng nhiệm nói những lời dối trá, những đe dọa trả thù phương Tây mà theo ông ta đã hạ nhục nước Nga. Trước Vladimir Putin, Macron đã cố hết cách. Ông đã tỏ ra rất kiên nhẫn, cố gắng thuyết phục. Nhưng mọi nỗ lực của tổng thống Pháp đều đã vấp phải bức tường đỏ của điện Kremlin cùng với thái độ khăng khăng cố hữu của Vladimir Putin. Từ khi vụ thảm sát ghê sợ được phát hiện ở Bucha tuần qua, câu hỏi được đặt ra rõ ràng  là : Ông Emmanuel Macron có nên còn nói chuyện với ông Vladimir Putin ? 

Nếu theo thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, câu trả lời là không. Hôm thứ Hai vừa qua, lãnh đạo chính phủ Ba Lan đã nói thẳng với tổng thống Pháp rằng : « Chúng ta không thương lượng với những kẻ tội phạm mà chúng ta phải chiến đấu đánh lại chúng. Thưa ông tổng thống, đã bao nhiêu lần ông thương lượng với Vladimir Putin, ông thu được gì ? Ông sẽ thương lượng với Hitler, Staline, Pol Pot ? ». 

Theo tác giả bài báo, từ đầu cuộc chiến tranh, phủ tổng thống Pháp vẫn cho rằng  cần phải giữ đường dây đối thoại với Vladimir Putin, ngay cả không thu được kết quả. Trước tiên để duy trì liên lạc với tổng thống Nga, biết đâu có thể được sử dụng trong trường hợp ông ta sẵn sàng thương lượng. Le Figaro nhận xét, các cuộc xung đột vẫn thường kết thúc bằng những thỏa hiệp với các nhà độc tài hay những nhân vật đã gây ra tội ác chiến tranh.  « Năm 1945, Lãnh đạo Anh và Mỹ chẳng đã thỏa hiệp với Staline, một trong những đao phủ tồi tệ nhất thế kỷ 20 là gì. Rồi gần đây nhất ở Afghanistan, người Mỹ cũng đã thương lượng và thậm chi trao lại cho Taliban quyền lãnh đạo đất nước ». Với nước Pháp, nếu như thấy ảnh hưởng của mình bị sụp đổ ở Syria đó có thể một phần là vì, hồi đầu cuộc xung đột năm 2011, Pháp đã từ chối nói chuyện với Bachar al-Assad mà chỉ nhằm làm sụp đổ chế độ này nhanh chóng. Kết quả 11 năm sau, Bachar al-Assad vẫn cầm quyền và chỉ đối thoại với Matxcơva và Teheran.  

Tờ báo đi vào phân tích để cho thấy duy trì đối thoại giữa tổng thống Pháp và đồng nhiệm Nga là cần thiết, cho cả Ukraina cũng như Liên Hiệp Châu Âu. Những chỉ trích của thủ tướng Ba Lan nói trên chứng tỏ là không hiểu Pháp, cũng như nước Đức thường bị tố là quá nhún nhường với Nga.  

Bầu cử tổng thống Pháp 2022: Nỗi lo cử tri không đi bỏ phiếu 

Đến với thời sự đang được người dân Pháp quan tâm nhất, cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2022, chỉ còn 2 ngày nữa cử tri Pháp đi bầu vòng một. Hầu hết các báo dành sự quan tâm đến cử tri nhiều hơn là các ứng cử viên. 

Chủ nhật tới, chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Pháp của 12 ứng cử viên của các đảng phái khác nhau sẽ nhường chỗ cho cuộc bỏ phiếu vòng thứ nhất. 48,7 triệu cử tri Pháp trên lý thuyết sẽ đi bỏ phiếu để chọn cho mình người lãnh đạo đất nước 5 năm tới (2022-2027). Thế nhưng giới quan sát đều có chung ghi nhận sẽ có rất đông cử tri không đi bỏ phiếu ở vòng 1 này. Theo nhật báo Les Echos « lo ngại cử tri không đi bầu cao kỷ lục trong một kỳ bầu cử lạ kỳ ». Tờ báo ghi nhận qua các thăm dò dư luận, kỳ bầu cử tổng thống lần này diễn ra trong bối cảnh người dân Pháp đang quá mệt mỏi và lo lắng sau một nhiệm kỳ tổng thống với những khủng hoảng chưa từng có, hết phong trào phản kháng Áo Vàng, đến đại dịch Covid 19 và chiến tranh nổ ra giữa lòng châu Âu. Người Pháp lo sợ những hậu quả sẽ đổ lên cuộc sống hàng ngày của mình. Trong khi các hứa hẹn tranh cử của các ứng cử viên dường như không sức thuyết phục, nhất là về những quan tâm hàng đầu của người dân Pháp: sức mua, vật giá leo thang.  

Hiện tại các cuộc thăm dò dư luận về ý định bỏ phiếu của cử tri vẫn cho kết quả hai ứng viên Tổng thống mãn nhiệm Emmanuel Macron được 26% phiếu và ứng viên đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) bà Marine Le Pen được 22% sẽ vào vòng 2. Bám sau đó có ứng viên Jean-Luc Melenchon của đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất được 17%. Nhưng trong bối cảnh cử tri không đi bầu đông kỷ lục như dự báo thì kết quả cuối cùng tối ngày ngày Chủ nhật sẽ trở nên bất định khiến cho tất cả các tổng hành dinh chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên đều phải, hồi hộp lo lắng, theo ghi nhận của Le Figaro.

Tờ báo chạy tựa chính trang nhất: « Vòng đầu: Cử tri vắng mặt có thể làm thay đổi tất cả? » Tờ báo cho biết, theo thăm dò của viện Odoxa, Chủ nhật tới sẽ có khoảng 27,4% cử tri Pháp không đi bỏ phiếu, tức là chỉ kém tỷ lệ vắng mặt kỷ lục của kỳ bầu cử năm 2002 một điểm. Các nhà làm thăm dò và phân tích đang đau đầu tính toán dự báo kết quả bầu cử, trong khi các nhóm vận động tranh cử của các ứng cử viên thì đang cố gắng huy động cử tri của mình đi bỏ phiếu đông đảo. Bởi tất cả đều hiểu rằng cử tri vắng mặt đông đảo không có lợi cho bất kỳ ai, chỉ làm cho kết quả bầu cử thêm phần bất trắc. Mỗi lá phiếu của cử tri giờ đều rất quý giá đối với mọi ứng cử viên.   

Bài Liên Quan

Leave a Comment